Nước ngọt có ga là gì? Lịch sử ra đời và quy trình sản xuất

21/01/2023

Nước ngọt có ga là loại thức uống phổ biến, được mọi người yêu thích ở mọi lứa tuổi từ già tới trẻ. Ngày nay bạn có thể dễ dàng tìm thấy chúng được bày bán ở khắp nơi trên thế giới. Vậy bạn đã biết nước ngọt có ga được sản xuất thế nào? Tại sao lại gọi là nước ngọt có ga? Và uống nước ngọt có ga có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không? Hãy cùng Khí Hà Nội tìm hiểu về loại đồ uống thú vị này qua bài viết dưới đây.

1. Nước ngọt có ga là gì?

Nước ngọt có ga còn được gọi là nước giải khát có ga hay Soft Drink là loại đồ uống được truyền khí CO2 dưới áp lực, chúng thường chứa chất làm ngọt tự nhiên hoặc nhân tạo, axit ăn được , hương vị tự nhiên hoặc nhân tạo và đôi khi là nước trái cây. Ngoài ra chúng còn được gọi với nhiều cái tên khác trên khắp thế giới, như soda, pop … hay bằng chính tên thương hiệu của chúng. Trái ngược với Hard Drink là loại đồ uống có cồn, Soft Drink là loại đồ uống thường không có hoặc có rất ít cồn.

Nước ngọt có ga
Nước ngọt có ga

2. Lịch sử ra đời nước ngọt có ga

Nguồn gốc của nước giải khát đã xuất hiện từ thời cổ đại và kéo dài tới tận ngày nay. Từ hai nghìn năm trước, người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã nhận ra những lợi ích về sức khỏe và chữa bệnh của nước khoáng. Họ đã xây dựng hàng trăm nhà tắm công cộng sử dụng nguồn nước khoáng từ các suối nước nóng để ngâm mình và thư giãn. Vào cuối những năm 1970, nhận ra những lợi ích trị liệu của nước khoáng, người châu Âu và châu Mỹ đã bắt đầu uống nước khoáng có ga.

Loại nước khoáng giả đầu tiên được cấp bằng sáng chế vào năm 1809. Nó được gọi là “nước soda”, thành phần bao gồm nước và natri bicacbonat trộn với axit để thêm sủi bọt. Nước soda có hương vị đã được ca ngợi là thuốc bổ não để chữa các triệu chứng đau đầu, nôn nao. Nước soda có hương vị đã trở nên phổ biến không chỉ vì lợi ích chữa bệnh mà còn vì hương vị sảng khoái của nó. Năm 1830, nước soda lần đầu tiên được bán trong chai thủy tinh. Tuy nhiên việc đổ đầy và đóng nắp chất lỏng kèm khí trong các chai thủy tinh vẫn là một quá trình khó khăn. Tới năm 1850, máy rót và đóng nút chai thủ công được thiết kế thành công giúp thị trường được mở rộng. Thuật ngữ “soda pop” bắt nguồn từ tiếng nổ của khí thoát ra khi mở chai soda cũng ra đời sau đó.

Những hương vị soda mới liên tục xuất hiện trên thị trường. Vào đầu những năm 1880, các dược sĩ đã liên tục thử nghiệm thêm các chất kích thích mạnh vào nước soda, bao gồm lá coca và hạt cola. Chúng được truyền cảm hứng từ những người công nhân người da đỏ gốc Bolivia nhai lá coca để xua tan mệt mỏi và từ những công nhân Tây Phi nhai hạt cola như một chất kích thích. Năm 1886, dược sĩ John Pemberton đã thực hiện một thử nghiệm định mệnh, đó là kết hợp coca với cola. Từ đó loại thức uống nổi tiếng nhất thế giới đã ra đời – “Coca-Cola”. Khi đó thứ đồ uống này được quảng cáo là có tác dụng giải khát cũng như trị liệu. Vài năm sau, một dược sĩ khác là Caleb Bradham đã tạo ra “Pepsi-Cola”. Cái tên này là bắt nguồn từ pepsin, một loại axit hỗ trợ tiêu hóa, nhưng Pepsi không quảng cáo loại đồ uống của mình có lợi ích chữa bệnh. Tới đầu thế kỷ 20, hầu hết các công ty cola đều không còn quảng cáo đồ uống của họ có lợi ích sức khỏe mà chỉ tập trung vào các khía cạnh sảng khoái và giải khát.

Cocacola và Pepsi là 2 thương hiệu nổi tiếng nhất về sản xuất nước ngọt có ga
Cocacola và Pepsi là 2 thương hiệu nổi tiếng nhất về sản xuất nước ngọt có ga

Cho đến những năm 1890, tất cả các công đoạn sản xuất nước giải khát vẫn được làm thủ công, từ việc thổi chai thủy tinh đến chiết rót và đóng gói. Sau đó hai thập kỷ, máy móc tự động hóa ra đời đã làm tăng đáng kể năng suất của các nhà máy sản xuất nước giải khát. Và ngành công nghệ đóng chai đã có một bước phát triển vượt bậc với phát minh ra “nắp vương miện” vào năm 1892. Thiết kế này giúp chứa thành công khí CO2 trong chai thủy tinh và vẫn còn được sử dụng cho tới ngày nay.

Cùng với sự ra đời của xe cơ giới, ngành công nghiệp nước giải khát ngày càng được mở rộng. Vào cuối những năm 1950, thiết kế lon nước giải khát bằng nhôm được giới thiệu, chúng được trang bị các mấu vòng kéo để mở nắp lon tiện lợi. Năm 1970, chai nhựa nhẹ và chống vỡ được đưa vào sử dụng, nhưng đến năm 1991 ngành công nghiệp nước giải khát mới sử dụng nhựa PET (polyethylene terephthalate) trên diện rộng. Các nhà sản xuất nước giải khát luôn biết cách đáp ứng các sở thích của người tiêu dùng. Năm 1962, cola dành cho người ăn kiêng được giới thiệu. Năm 1980, với các nhu cầu về sức khỏe tăng cao, các loại nước ngọt không chứa caffein và ít natri ra đời. Năm 1990 đã xuất hiện loại cola trong suốt không màu, không chứa caffein và không chứa chất bảo quản.

Ngày nay nước giải khát là loại đồ uống cực kỳ phổ biến. Chúng có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hầu như ở bất cứ đâu chúng ta cũng đều có thể bắt gặp các loại nước có ga này.

3. Nguyên liệu sản xuất nước ngọt có ga

Thành phần các loại nước giải khát bao gồm chủ yếu là nước có ga, đường và hương liệu. Trong đó nước có ga chiếm tới 94%, tiếp theo là đường chiếm từ 7 đến 12%. Đường có thể được sử dụng ở dạng khô hoặc lỏng, đường tạo thêm vị ngọt và độ ngậy cho nước giải khát, nó tăng cường “cảm giác ngon miệng”. Đường cũng giúp cân bằng hương vị và axit.

Khí CO2 là thành phần đặc biệt được thêm vào khiến nó được gọi là nước có ga. CO2 tạo thêm độ lấp lánh và hiệu ứng sủi bọt cho đồ uống. Nó cũng hoạt động như một chất bảo quản nhẹ. CO2 là một loại khí đặc biệt thích hợp cho nước giải khát vì nó trơ, không độc hại, tương đối rẻ tiền và dễ hóa lỏng.

CO2 tạo ra bọt khí trong nước có ga
CO2 tạo ra bọt khí trong nước có ga

Hương vị tổng thể của nước giải khát phụ thuộc vào sự cân bằng phức tạp giữa vị ngọt, vị chua và độ chua (pH). Axit tạo thêm độ sắc nét cho hương vị nền và nâng cao trải nghiệm làm dịu cơn khát bằng cách kích thích tiết nước bọt. Axit phổ biến nhất trong nước giải khát là axit citric, có hương vị chanh. Axit cũng làm giảm độ pH, bảo quản nhẹ đồ uống. Một lượng rất nhỏ các chất phụ gia khác làm tăng hương vị, cảm giác ngon miệng, mùi thơm và hình thức của đồ uống. Có vô số loại hương liệu khác nhau được dùng, chúng có thể là tự nhiên, giống hệt tự nhiên hoặc nhân tạo.

Để cản trở sự phát triển của vi sinh vật và ngăn ngừa hư hỏng, chất bảo quản được thêm vào nước giải khát. Chất chống oxy hóa, chẳng hạn như BHA và axit ascorbic, duy trì màu sắc và hương vị. Bắt đầu từ những năm 1980, các nhà sản xuất nước giải khát đã lựa chọn các chất phụ gia tự nhiên để đáp ứng mối quan tâm về sức khỏe ngày càng tăng của công chúng.

4. Quy trình sản xuất

Hiện nay trên thế giới có vô số loại nước ngọt có ga khác nhau. Chúng có những công thức pha chế bí mật, tuy nhiên hầu hết chúng đều tuân theo một quy trình sản xuất và đóng chai tương tự nhau.

Quy trình sản xuất nước ngọt có ga
Quy trình sản xuất nước ngọt có ga
  • Làm sạch nước
    Chất lượng nước là yếu tố quyết định đến sự thành công của một ly nước giải khát. Không chỉ vì lợi ích sức khỏe cộng đồng, nước sạch còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sản xuất và duy trì sự đồng nhất về hương vị, màu sắc và thể chất. Các tạp chất, chẳng hạn như các hạt lơ lửng, chất hữu cơ và vi khuẩn được loại bỏ thông qua một loạt quá trình đông tụ, lọc và khử trùng bằng clo. Quá trình đông tụ liên quan đến việc trộn một chất kết tủa dạng keo hoặc bông (sắt sunfat hoặc nhôm sunfat) vào trong nước. Khối bông hấp thụ các hạt lơ lửng, làm cho chúng lớn hơn và dễ bị các bộ lọc giữ lại hơn. Trong quá trình làm trong, độ kiềm được điều chỉnh bằng cách bổ sung vôi để đạt được độ pH mong muốn.
  • Khử trùng và khử clo trong nước
    Nước đã lọc được đổ qua bộ lọc cát để loại bỏ các hạt cặn mịn. Vi khuẩn và các hợp chất hữu cơ có thể làm hỏng mùi vị hoặc màu sắc của nước. Chúng được tiêu diệt bằng cách bổ sung một lượng nhỏ clo tự do. Tiếp theo, bộ lọc than hoạt tính được sử dụng để khử clo trong nước và loại bỏ các chất hữu cơ còn sót lại. Và một máy bơm chân không khử khí trong nước trước khi nó đi vào trạm định lượng.
  • Trộn các thành phần
    Đường hòa tan và hương liệu cô đặc được bơm vào trạm định lượng theo trình tự định sẵn tùy theo khả năng tương thích của chúng. Các thành phần được trộn một cách cẩn thận để tránh gây ra hiện tượng sục khí không mong muốn. Siro được thêm vào và có thể được khử trùng khi ở trong bể bằng cách sử dụng tia cực tím hoặc thanh trùng nhanh. Thanh trùng là quá trình khử trùng bằng phương pháp gia nhiệt nhanh hỗn hợp, nhằm làm giảm số lượng mầm bệnh và khiến những loại vi sinh vật gây hại như vi khuẩn, virus, nấm men, nấm mốc không còn gây nguy hại nữa.
    Nước và Siro được kết hợp cẩn thận bằng các máy móc tinh vi điều chỉnh tốc độ dòng chảy và tỷ lệ của chất lỏng. Các bình được điều áp bằng CO2 để ngăn chặn sự sục khí của hỗn hợp.
  • Thêm khí ga vào đồ uống
    CO2 thường được thêm vào thành phẩm. Nhiệt độ của chất lỏng phải được kiểm soát cẩn thận vì khả năng hòa tan CO2 tăng khi nhiệt độ chất lỏng giảm. Nhiều nhà máy được trang bị hệ thống làm mát riêng của họ. Lượng áp suất CO2 được sử dụng phụ thuộc vào loại nước giải khát. Ví dụ, đồ uống trái cây cần ít ga hơn nhiều so với đồ uống trộn, chẳng hạn như nước tăng lực. Đồ uống được tạo áp suất hơi quá mức với CO2 để tạo điều kiện di chuyển vào bể chứa và cuối cùng đến máy chiết rót.

  • Đổ chai và đóng gói
    Thành phẩm được chuyển vào chai hoặc lon với tốc độ dòng chảy cực cao. Sau đó chúng được niêm phong ngay lập tức bằng các nắp đậy chịu áp lực, có thể là các nắp đậy bằng tôn hoặc thép có các cạnh lượn sóng, các nút vặn hoặc các mấu kéo. Vì nước giải khát thường được làm lạnh trong quá trình sản xuất nên chúng phải được đưa về nhiệt độ phòng trước khi dán nhãn để tránh hơi nước ngưng tụ làm hỏng nhãn dán. Điều này được thực hiện bằng cách phun nước ấm và làm khô chúng. Cuối cùng, sau khi dán nhãn và đóng gói, chúng được phân phối đến khắp nơi trên thế giới.

5. Ảnh hưởng của nước ngọt có ga tới sức khỏe

Ban đầu nước giải khát hay nước ngọt có ga ra đời với mục đích thay đổi thói quen uống rượu bia gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng nước ngọt có ga có hại cho sức khỏe. Vậy thực sự uống nước ngọt có ga có gây hại cho sức khỏe hay không?

Trong quá trình sản xuất, nước có ga phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt. Kiểm tra vi sinh và các thử nghiệm khác diễn ra thường xuyên. Điều quan trọng đối với các nhà sản xuất nước giải khát là kiểm tra nguyên liệu thô trước khi chúng được trộn với các thành phần khác, vì chất bảo quản có thể không tiêu diệt hết vi khuẩn. Tất cả các bể chứa, máy bơm và thùng chứa đều được khử trùng kỹ lưỡng và được giám sát liên tục. Lon làm bằng hợp kim nhôm hoặc thép có hàm lượng carbon thấp tráng thiếc, được sơn bên trong để bịt kín kim loại và ngăn ngừa sự ăn mòn khi tiếp xúc với đồ uống.

Một trong những mối lo ngại lớn nhất khi uống nước co ga là khả năng gây béo phì. Thật vậy, các loại nước ngọt có ga thường có hàm lượng đường rất cao. Việc uống nước ngọt thường xuyên sẽ khiến cơ thể bị thừa đường. Phần đường dư thừa sẽ được chuyển hóa thành năng lượng, dự trữ dưới dạng glycogen và triglyceride, sau đó dễ dàng chuyển hóa thành mỡ trắng. Lượng mỡ trắng tích lũy dưới da và xung quanh các bộ phận nội tạng dẫn đến tình trạng tăng cân, thừa cân, béo phì.

Thường xuyên uống nước có ga có nguy cơ béo phì
Thường xuyên uống nước có ga có nguy cơ béo phì

Nước có ga có tính axit vì CO2 và nước phản ứng hóa học với nhau tạo ra axit cacbonic, là loại axit yếu. Có nhiều lo ngại về việc axit sẽ làm hỏng men răng khi tiếp xúc trực tiếp. Tuy nhiên đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng axit trong nước ngọt có ga không gây hại cho men răng hơn các loại đồ uống chứa đường khác. Đường mới chính là nguyên nhân gây ra các vấn đề về răng miệng. Nếu bạn lo lắng về sức khỏe răng miệng, hãy súc miệng bằng nước thường sau khi uống nước có ga.

6. Ảnh hưởng tới môi trường

Ngành công nghiệp nước giải khát trị giá 400 tỷ đô la đã tạo ra hàng trăm tỷ container nước giải khát mỗi năm, kéo theo đó là lượng rác thải từ vỏ lon, vỏ chai cũng trở thành vấn đề lớn. Đã có gần 60% tất cả các hộp đựng nước giải khát đã được tái chế, tỷ lệ cao nhất đối với bất kỳ loại bao bì nào khác. Nhưng số lượng còn lại vẫn còn quá lớn gây ra những lo ngại về môi trường. Ngành công nghiệp này cần tiếp tục cải tiến và đổi mới trong công nghệ đóng gói, bao gồm cả việc phát triển các hộp chứa có thể nạp lại và tái sử dụng.

Lượng rác thải lớn từ nước có ga có hại với môi trường
Lượng rác thải lớn từ nước có ga có hại với môi trường

7. Địa chỉ cung cấp khí CO2 cho nước ngọt có ga

Nếu bạn là đơn vị sản xuất nước ngọt có ga, có nhu cầu mua khí CO2 hãy liên hệ ngay với Khí Hà Nội. Với kinh nghiệm 30 năm trong ngành, chúng tôi cam kết mang đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất với giá cả cạnh tranh nhất thị trường, đảm bảo sự hài lòng tuyệt đối cho mọi khách hàng.

Oxy công nghiệp được sử dụng trong môi trường công nghiệp
Khí Hà Nội chuyên cung cấp CO2 cho sản xuất nước ngọt có ga

Khí Hà Nội chuyên cung cấp khí CO2 công nghiệp uy tín hàng đầu, chúng tôi chuyên sản xuất, chiết nạp, bán lẻ khí CO2 tinh khiếtkhí CO2 công nghiệp chất lượng cao.
Quý khách hàng có nhu cầu đặt hàng có thể liên hệ số điện thoại 0969.690.155 để được tư vấn trực tiếp, miễn phí!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.